Kiến tạo sự khác biệt
Trong xu hướng hiện đại, phòng tắm không chỉ là nơi phục vụ các nhu cầu vệ sinh mà còn là một không gian thư giãn.
Phòng vệ sinh, hay phòng tắm không còn là “công trình phụ” nữa, mà là phần quan trọng của ngôi nhà - điều đó ai cũng nhận thấy. Phòng tắm ngày càng đầu tư nhiều hơn về vị trí, diện tích, vật liệu, trang thiết bị để là một không gian sạch sẽ, tiện nghi phục vụ cho nhu cầu của con người. Hơn thế, trong xu hướng hiện đại, phòng tắm không chỉ là nơi phục vụ các nhu cầu vệ sinh mà còn là một không gian thư giãn.
Trong ngôi nhà hiện đại bây giờ, gần như mặc định phòng ngủ chính (master bedroom) phải có phòng tắm riêng, Và để tương xứng với vị trí, vai trò của phòng ngủ chính, phòng tắm riêng này cũng phải “xịn” hơn những phòng vệ sinh khác. Ngoài vị trí như đã nói, thì phòng tắm này thường phải rộng hơn, đầu tư nhiều hơn cho vật liệu, thiết bị, và nó nghiễm nhiên trở thành... phòng tắm lớn. Cùng với nhiều yếu tố khác, phòng tắm lớn góp phần thể hiện đẳng cấp ngôi nhà và đăng cấp chủ nhân. Phòng tắm lớn tất nhiên cũng là nơi thư giãn.
Phòng tắm lớn cũng thường được phô bày trong không gian phòng ngủ chính. Giải pháp chung thường đưa ra là không xây tường ngăn cách, hoặc sử dụng vách kính trong suốt. Chức năng phòng tắm đương nhiên là để tắm (và các hoạt động vệ sinh khác); nhưng những phòng tắm mở hiện đại còn có thêm chức năng để... ngắm. Phòng tắm là một phần nội thất của phòng ngủ, được phô bày ra để khoe cái đẹp, hiện đại, sang trọng của chính nó. Phòng tắm kết nối cùng phòng ngủ cũng tạo nên sự thoáng đãng, khoáng đạt trong không gian, tạo hiệu quả thị giác nhiều ấn tượng.
Để có một phòng tắm thư giãn, ngoài những yếu tố tạo nên thẩm mỹ có tác dụng gây sự nhẹ nhàng, thoải mái về tâm lý; thì thiết bị là rất quan trọng. Thông thường, là phải có bồn tắm, và hơn nữa, là các hệ thống vòi massage gắn tường, bồn sục gắn liền với cả hệ thống âm thanh, bồn cầu có hệ thống rửa - sấy tự động...; hơn nữa là có chỗ để đồ ăn, đồ uống để thưởng thức trong khi tắm.
Phòng tắm đẹp, thì ngắm cũng đã thấy sướng, đó là chiều thứ nhất. Nhưng ở những không gian này, sự không ngăn cách còn cho phép người ở trong phòng tắm ngắm nhìn và đối thoại với không gian bên ngoài; để thấy rằng đây thực sự là nơi thư giãn chứ không phải chui vào và... làm vệ sinh cơ thể một cách cô độc.
Với những kiểu phòng tắm – phòng ngủ như trên đề cập, ở ngoài có thể nhìn ngắm phòng tắm, và trong phòng tắm có thể nhìn ra không gian phòng ngủ. Đó là kiểu thông thường, dễ thấy nhất. Nhưng khi có điều kiện, về diện tích, không gian, phòng tắm còn được thiết kế hướng ra bên ngoài không chỉ với không gian phòng ngủ. Đó là những khoảng không rộng lớn, sân vườn, hồ nước... Những công trình trên cao, hay có không gian rộng như gần hồ, vườn, có mật độ xây dựng thấp có thể làm được điều này. Và khi đó, việc thư giãn được nâng giá trị lên rất nhiều.
Bên cạnh những phòng tắm lớn là không gian riêng trong phòng ngủ như đã nói ở trên, thì cũng có những dạng phòng tắm được thiết kế như một phòng thư giãn chung dành cho gia đình. Những dạng phòng này có thể ở gần các phòng ngủ, hay phòng luyện tập thể thao. Chức năng của phòng này thiên về thư giãn, trị liệu sức khoẻ hơn là vệ sinh cơ thể (dù rằng nó vẫn có đủ chức năng của một phòng vệ sinh khép kín). Và đương nhiên, giá trị của những phòng thư giãn kiểu này là phải có khoảng mở, nhiều ánh sáng tự nhiên và càng tuyệt hơn nếu có những mảng xanh cây cối.
Tuy nhiên, với những không gian thư giãn mở ra bên ngoài như vậy, cần luôn cân nhắc yếu tố an toàn, kín đáo cho người sử dụng, nhất là những nơi an ninh không tốt hay gần lối giao thông. Với những ô cửa, vách kính lớn không có hoa sắt, với việc mở cửa để thông thoáng, giao hoà với thiên nhiên, với tầm nhìn rộng... - những yếu tố này luôn gây ra những e ngại, phiền toái và bất tiện. Việc hướng ra bên ngoài và gần gũi với thiên nhiên còn có nhiều bất lợi khác như yếu tố thời tiết không thuận lợi, vấn đề mất vệ sinh do môi trường, hay sự xâm nhập của các loài vật nuôi, côn trùng... Điều đó cần cân nhắc tính toán thật kỹ trong khâu thiết kế để có những giải pháp kiến trúc, kỹ thuật, trang trí nội thất phù hợp.
Dẫu vậy thì một không gian phòng tắm hướng ra ngoài, gần gũi với thiên nhiên luôn có giá trị và là ước muốn của nhiều người. Những không gian này thực sự là nơi thư giãn lý tưởng về thị giác và tâm lý bên cạnh thư giãn kiểu trị liệu do các loại thiết bị hiện đại mang lại.
Phòng tắm lớn và những phòng tắm thư giãn trước hết là một phòng tắm, phòng vệ sinh; nhưng hơn thế, với vị trí và tính chất đặc biệt, được đầu tư đặc biệt như vậy, nó có một nhiệm vụ quan trọng mà ai cũng hiểu rõ và hướng tới: Đó là nơi thư giãn.
Cuộc sống hiện đại, phương thức làm việc công nghiệp tạo nên nhiều áp lực, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và sức khỏe của con người theo hướng tiêu cực. Và tất nhiên với những người đóng vai chủ (master), thì lại càng chịu áp lực nặng nề hơn. Thời gian eo hẹp, không có nhiều để thư giãn, giải trí hay đi các dịch vụ trị liệu dành cho sức khỏe. Phòng tắm lớn và những phòng tắm thư giãn được đầu tư, thiết kế chính là để phục vụ nhu cầu ấy. Vì lẽ đó những phòng tắm dạng này thường “tiêu” khá nhiều tiền của trong việc xây dựng, chiếm một tỷ lệ khá lớn đối với phần hoàn thiện ngôi nhà; nhưng ít người băn khoăn; bởi đã xác định rõ tinh thần. Và việc phòng ngủ chính có phòng tắm liền kề ngày càng trở nên phổ biến, cũng như xu hướng đầu tư để có một phòng tắm chính - một master bathroom hiện đại, tiện lợi, đẹp… ngày càng phát triển. Những phòng tắm thư giãn độc lập cũng không phải là hiếm trong nhiều ngôi nhà mới.
Dẫu vậy, khi làm một phòng tắm lớn, hay một phòng tắm kiểu thư giãn, chủ nhà, và cả kiến trúc sư hãy cân nhắc với nhu cầu thật của người sử dụng, để đầu tư đúng và đủ; không nên quá tham và dàn trải. Với việc sở hữu và sử dụng một không gian như phòng tắm lớn, cũng đồng nghĩa với việc phải chăm sóc, bảo quản nó. Thực tế nhiều người ngại cọ rửa phòng tắm, và khi vào thấy bẩn, thấy bừa bộn không thuận mắt, chỉ muốn nhanh rồi ra thì còn đâu thư giãn. Hay có người làm bồn tắm, nhưng lại quá bận có mấy khi dùng, chỉ tắm đứng cho tiết kiệm thời gian; bồn tắm để không cũng phí! Hoặc có thể vì một diện tích “hoành tráng” cho việc chứa đựng thiết bị vệ sinh, mà cái master bathroom lấy mất ít nhiều “đất” quý giá ở khu vực khác có ý nghĩa quan trọng như sảnh tầng, cầu thang, hay phòng ngủ; những chỗ có “view” đẹp, nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể so với phần bị mất.
Vì vậy, thiết kế phòng vệ sinh lớn, hay các phòng tắm thư giãn hướng ngoại luôn cần cân nhắc và cân đối với nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố tài chính. Để có một phòng tắm thư giãn, hãy bắt đầu từ chính nhu cầu của bản thân chủ nhà và các thành viên trong gia đình, chứ không phải là một cách thể hiện, khoe mẽ ngôi nhà, hay làm như một thứ mốt chạy theo thiên hạ. Khi đã đúng nhu cầu, thì việc thư giãn mới thực là... thư giãn.